Ngành In cần phát triển nhanh, mạnh hơn nữa, trở thành thành ngành kinh tế – công nghệ hiện đại, nằm trong top đầu khu vực. Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị tổng kết hoạt động In năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Ngành In phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Năm 2021 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như đối với các doanh nghiệp ngành In do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp ngành In Việt Nam nỗ lực vượt khó, đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, doanh thu toàn ngành vẫn duy trì ở con số trên 85.000 tỷ đồng, nhưng có sự thay đổi về số lượng và phân bố cơ sở in. Số lượng cơ sở in năm 2021 phân bố ở TP. Hồ Chí Minh tăng 106% so với năm 2020; các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng tăng 110% so với năm 2020; tập trung chủ yếu tăng ở khối cơ sở in bao bì (chiếm 97% số cơ sở sở in thành lập năm 2021).
Mặc dù có tác động tiêu cực do dịch COVID-19 nhưng sản lượng in cơ bản đạt gần 90% theo kế hoạch. Các doanh nghiệp in tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, đầu tư thiết bị in hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư trung bình của ngành In trong 2021 vẫn duy trì ở mức trên 3.000 tỷ đồng. Quá trình in được chú trọng đầu tư chủ yếu với các thiết bị in hiện đại, mới 100% với mức độ tự động hóa cao. In ống đồng và in flexo có sự phát triển ở in bao bì, nhãn mác.
Năm 2021, số lượng máy in flexo, máy in leterpress được nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ lệ cao trên 59% trên tổng số thiết bị in công nghiệp nhập khẩu. In offset vẫn là công nghệ in chủ đạo, chiếm 27% giá trị đầu tư trên tổng số thiết bị. In kỹ thuật số phát triển nhanh với các thiết bị in khổ lớn, tốc độ cao, đáp ứng thị trường in thương mại và in sản phẩm cá nhân hóa.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành In còn bộc lộ những hạn chế như: Qui mô ngành công nghiệp In Việt Nam so với các nước trong khu vực tuy có bước phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện cả nước trên 2.300 cơ sở in công nghiệp nhưng số đơn vị có quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trên 90%.
Hầu hết các doanh nghiệp chưa đầu tư, quan tâm đến xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp nhỏ hạn chế nguồn lực, không có năng lực tái đầu tư, công nghệ còn lạc hậu, không đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; không bảo đảm yêu cầu về môi trường.
Năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm sút rõ rệt nguyên nhân là do số lao động có trình độ tay nghề cao (bao gồm cả những kỹ sư, công nhân bậc cao đào tạo tại nước ngoài) phần lớn đã hết tuổi lao động; tính chuyên nghiệp hạn chế. Số lao động lâu năm trong ngành lại khó khăn trong việc cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.
Năng lực đào tạo hiện có của các trường trong những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngành In. Nội dung đào tạo chưa bám sát sự phát triển của công nghệ, thiết bị, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp in, để nhân lực được đào tạo khi ra trường có thể bắt tay vào làm việc được ngay nhằm tránh tình trạng vừa thiếu nhân lực có chất lượng cao, nhưng lại thừa nhân lực do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất mới.
Ngành công nghiệp In cần đẩy mạnh chuyển đổi số
Thứ trưởng nêu rõ, thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp in vẫn đang theo tư duy lối mòn, cơ bản làm những việc giống nhau, dẫn đến dẫm chân lên nhau, triệt tiêu động lực phát triển. Do đó, các doanh nghiệp in cần đột phá tư duy, phải có tham vọng vượt lên, đặt những mục tiêu mới, chẳng hạn như các doanh nghiệp lớn phải nỗ lực tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp thế giới, biến sản phẩm của doanh nghiệp mình thành một thành tố tạo nên các sản phẩm có tính toàn cầu. Trong liên kết in cho các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp không thụ động, đơn thuần gia công mà chủ động sáng tạo, đưa ra những sản phẩm mới, tìm những khách hàng mới, tức là đem yếu tố sáng tạo vào giá trị sản phẩm của mình, tạo ra cho mình một lối đi riêng. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng; vấn đề chuyển đổi số phải coi nhiệm vụ trọng tâm cho sự phát triển của từng doanh nghiệp; là định hướng thông qua công tác quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương triển khai, hỗ trợ. Đó là chìa khóa mở rộng thị trường, phát triển bứt phá trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn lưu ý.
Để phát triển bền vững, công nghiệp in phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp công nghệ xanh và bảo vệ môi trường; đặc biệt là việc chuyển đổi số trong lĩnh vực in. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn yêu cầu đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế. Ngành In cần được cởi trói mạnh mẽ hơn nữa để hội nhập sâu rộng hơn nữa. Muốn làm được việc đó, cần đẩy nhanh quá trình rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật để sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo nhà nước quản lý được, ngành In phát triển nhanh, hiện đại. Đây không phải là nhiệm vụ riêng của các cơ quan quản lý mà phải là nỗ lực chung của toàn ngành In.
Để ngành In phát triển, cần tập trung làm tốt công tác qui hoạch và thực hiện qui hoạch. Các Sở TT&TT chuẩn bị thật tốt quy phương án triển khai quy hoạch trên địa bàn, bảo đảm quy hoạch thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là chuẩn bị nguồn lực và quỹ đất cần thiết. Bộ TT&TT sẽ giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện này ở các địa phương, đơn vị.
Xây dựng định hướng chiến lược phát triển có vai trò quan trọng đến sự tồn vong của doanh nghiệp. Chiến lược đúng đắn sẽ tạo một hướng đi tốt cho doanh nghiệp. Chiến lược có thể coi như kim chỉ nam dẫn đường cho doanh nghiệp đi đúng hướng, vượt qua đối thủ cạnh tranh và tạo vị thế cho mình trên thương trường. Các cơ sở in lớn, nguồn lực mạnh cần đi trước, nhập vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, nhận in gia công, cơ sở in nhỏ trong nước là vệ tinh, nhận gia công phụ trợ cho các cơ sở in lớn, tạo thành chuỗi sản xuất hiệu quả.
Song song với đó, ngành In cần quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo được chất lượng sản phẩm in và năng suất cao. Đồng thời, phát huy vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp, kết nối sức mạnh toàn Ngành, tham gia đóng góp xây dựng chính sách đối với lĩnh vực tại địa phương cũng như cả nước. Tăng cường giao lưu với các hiệp hội nghề, các doanh nghiệp in khu vực và thế giới, tranh thủ nghiên cứu, học hỏi và phổ biến các kinh nghiệm hay mô hình phù hợp mà trước mắt là kinh nghiệm để các doanh nghiệp in Việt Nam có thể thành công trong việc tiếp cận, hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tham gia vào chuỗi cung ứng và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu…/.